Sửa đổi Luật Việc làm: Khắc phục tồn tại để hỗ trợ người lao động tốt hơn

Sửa đổi Luật Việc làm: Khắc phục tồn tại để hỗ trợ người lao động tốt hơn

Luật Việc làm số 38/2013/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 16.11.2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2015. Sau 7 năm đi vào đời sống, Luật Việc làm bộc lộ một số khó khăn, hạn chế đòi hỏi sửa đổi bổ sung để hoàn thiện quan hệ về việc làm và thị trường lao động.

Nhiều chính sách ưu việt được thực hiện

Ngay khi có hiệu lực, Luật Việc làm số 38 cho thấy tính ưu việt khi lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động.

Theo đó, Luật Việc làm đã mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động (đối tượng lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có giao kết hợp đồng lao động). Luật cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt có nhóm lao động yếu thế, lao động nghèo, lao động nông thôn, người thất nghiệp và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức.

Luật Việc làm với nhiều ưu tiên, hỗ trợ cho hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm phủ khắp hầu hết các địa phương trên cả nước, đã giúp lao động tìm việc làm, tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp… một cách dễ dàng, thuận tiện. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ học nghề, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp… thông qua các trung tâm này cũng giúp cho hàng triệu người lao động trên cả nước được thụ hưởng chính sách.

Bên cạnh đó, việc kết nối cung – cầu lao động ngày càng hoàn thiện thông qua các phiên giao dịch việc làm cả trực tuyến và trực tiếp. Mô hình này không chỉ hỗ trợ lao động tìm việc, quay lại thị trường lao động mà còn giúp hàng chục nghìn doanh nghiệp tuyển dụng được lao động phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Những hạn chế cần khắc phục

Theo Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, có 4 lý do cần thiết phải xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) gồm: Thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Việc làm; những yêu cầu mới về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm.

Theo đó, về thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm, Luật Việc làm sửa đổi bám sát nội dung Hiếp pháp 2013 với các nội dung liên quan lĩnh vực việc làm, phát triển giáo dục, phát triển nguồn nhân lực…

Về bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, năm qua, Quốc hội đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản luật làm thay đổi hoặc phát sinh những vấn đề liên quan tới việc làm, thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực, trực tiếp là phát triển kỹ năng nghề. Chính phủ đang xây dựng dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội năm 2023-2024, trong khi nhiều nội dung liên quan về chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm hiện nay đang được trích dẫn theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp sẽ bãi bỏ “mức lương cơ sở”; Luật Việc làm có một số nội dung liên quan gắn với “mức lương cơ sở”.

Về khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Việc làm: Một trong những nội dung quản lý Nhà nước về việc làm là “quản lý lao động” nhưng nội dung này không được đề cập trong phạm vi điều chỉnh và quy định cụ thể tại các Chương trong Luật Việc làm. Một số khái niệm, quy định chưa rõ ràng hoặc được nội luật hóa; một số hành vi bị nghiêm cấm về dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, kỹ năng nghề chưa được quy định trong luật.

Cuối cùng, thực trạng và xu hướng thị trường lao động Việt Nam đặt ra yêu cầu mới về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm. Hiện lực lượng lao động cả nước có 51,6 triệu người với 25 triệu lao động làm công hưởng lương, nhưng chỉ có 16,8 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Khoảng 9 triệu lao động làm công hưởng lương không/chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thể tạo nên “khoảng trống” khi triển khai các chính sách hỗ trợ, các gói an sinh xã hội…

Bộ LĐTBXH dự kiến đề xuất xây dựng 4 nhóm chính sách: Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, thống nhất, có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết của Nhà nước; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng tới là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.

Theo: Cdhanghaivn