Nhà máy giữ công nhân trước khó khăn bủa vây

Nhà máy giữ công nhân trước khó khăn bủa vây

TPHCM – Ứng trước thưởng Tết, lên kế hoạch tăng lương, hỗ trợ thực phẩm cho công nhân là cách nhà máy sản xuất áp dụng để giữ lao động chờ thị trường phục hồi.

Từ tháng 6, Công ty D.G ở TP Thủ Đức, 100% vốn FDI, đối mặt khó khăn khan hiếm nguyên liệu sản xuất, phải mua một số mặt hàng ở chợ đen với giá tăng có lúc gần gấp đôi. Lãnh đạo doanh nghiệp cho hay việc này khiến chi phí sản xuất tăng cao nhưng nhà máy vẫn chấp nhận để giải quyết đơn hàng và duy trì việc làm mức cơ bản cho lao động.

Nhiều tháng qua, gần 1.000 công nhân D.G làm việc tuần 48 tiếng, thời gian làm thêm giảm so với trước. Tuy nhiên, nhà máy sản xuất theo chế độ hai ca ngày, đêm, thời gian 12 tiếng nên lao động chỉ đi làm 4 ngày, sau đó nghỉ ba ngày. Với mỗi ca làm việc, ngoài 8 tiếng hành chính, thời gian còn lại công ty tính lương tăng ca gấp 1,5 lần nên kéo thu nhập của công nhân lên cao.

Không chỉ nỗ lực đảm bảo việc làm ổn định, công ty lên kế hoạch tăng lương cho công nhân vào tháng 12 tới và cam kết duy trì thưởng tháng 13 cho toàn bộ nhân viên. Ngoài ra, nhà máy còn duy trì các chính sách phúc lợi cho tất cả nhân viên… Sau gần nửa năm đối mặt với khó khăn, nhân sự của công ty vẫn ổn định.

Nhà máy gỗ Lâm Việt hỗ trợ gạo, mì cho công nhân

Là chủ tịch hội đồng quản trị của Gỗ Lâm Việt, ông Liêm cho biết ngay từ đầu năm, khi đơn hàng dồi dào, để khuyến khích công nhân sản xuất, nhà máy cam kết thưởng Tết hai tháng lương. Giờ đây, khi thu nhập giảm, công ty đã ứng trước một nửa tiền thưởng chi cho người lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp thường xuyên hỗ trợ lương thực cho công nhân. “Nhà máy khó nhưng công nhân cũng khổ, phải nương nhau để vượt qua”, ông Liêm nói.

Ông Đặng Tấn Đạt, Phó ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động Bình Dương), cho biết tính đến cuối tháng 10, toàn tỉnh có khoảng 240.000 lao động bị giảm giờ làm vì nhà máy bị thiếu đơn hàng. Các công ty xoay xở nhiều cách để đảm bảo thu nhập, giữ chân lao động.

Trước đây, doanh nghiệp có các cơ sở vệ tinh gia công một số khâu trong sản phẩm. Giai đoạn này, họ gom hết về nhà máy để công nhân có việc để làm. Nhiều công ty cho công nhân nghỉ luân phiên, tuần làm 4 ngày, số ngày còn lại trả lương ngừng việc, đảm bảo không thấp hơn mức tối thiểu vùng.

Theo ông Đạt, để có lý do chính đáng chi tiền cho công nhân, các nhà máy cắt giờ làm chính thức nhưng vẫn tổ chức tăng ca ngày làm việc để trả lương tăng thêm 1,5 lần. Như vậy, thời gian làm việc trong tuần không tăng, thậm chí giảm nhưng thu nhập của công nhân vẫn đảm bảo ở mức cơ bản.

Theo VNEXPRESS