Hoàn thiện chính sách việc làm trong bối cảnh hội nhập sâu rộng

Hoàn thiện chính sách việc làm trong bối cảnh hội nhập sâu rộng

Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam diễn ra nhanh, sâu rộng, đòi hỏi phải tuân thủ các “luật chơi” chung, bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, việc làm. Do đó, việc sửa đổi Luật Việc làm 2013 là rất cần thiết để phù hợp các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết trong lĩnh vực việc làm.

Bảo đảm quyền cơ bản

Trên phương diện quốc tế, quyền làm việc là một trong các quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự – chính trị, được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người năm 1948, Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hoá năm 1966. Các quyền này tiếp tục được cụ thể và khẳng định trong các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế.

Với Việt Nam, chính sách việc làm luôn được coi là chính sách quan trọng đối với một quốc gia đang phát triển có lực lượng lao động lớn. Số liệu của Tổng cục Thống kê tại thời điểm năm 2012 (trước khi Quốc hội khóa XIII ban hành Luật Việc làm) cho thấy, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,58 triệu người; trong đó lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 46,95 triệu người. Hàng năm có khoảng từ 1,2 đến 1,5 triệu người bước vào tuổi lao động cần có việc làm.

Giai đoạn 2016 – 2020, cả nước có khoảng gần 1 triệu lao động nông thôn là người DTTS được học nghề. (Trong ảnh: Cán bộ Khuyến nông hướng dẫn người dân xã Đông Minh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang trồng đậu hạt đỏ – Ảnh: hagiang.gov.vn)

Lĩnh vực việc làm đã được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, ngay từ khi nước ta mới giành được độc lập. Có thể kể đến là Nghị định số 01, ngày 1/10/1945 quy định các điều kiện đảm bảo việc làm, bênh vực quyền lợi của người lao động, quy định thời hạn báo trước khi muốn thải hồi công nhân; Sắc lệnh số 64/SL, ngày 5/8/1946 về thành lập hệ thống cơ quan lao động trong cả nước với chức năng bảo đảm việc làm và bênh vực quyền lợi cho người lao động;…

Hệ thống chính sách về việc làm, nhất là chính sách hỗ trợ dành cho các nhóm lao động yếu thế, lao động người DTTS, có bước đột phá quan trọng khi Quốc hội khóa XII thông qua Luật Việc làm (Luật số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013, có hiệu lực ngày 1/1/2015). Việc thực thi Luật Việc làm đã góp phần quan trọng hoàn thiện các chính sách và quy định về việc làm, mở rộng phạm vi bao phủ an sinh xã hội, củng cố các hệ thống quan hệ lao động và tăng cường khung pháp lý về an toàn, sức khỏe nghề nghiệp.

Ông Nilim Baruah, đại diện lâm thời của Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam, đánh giá: “Trong những năm qua, những thành tựu này, bao gồm cả việc Việt Nam phê chuẩn bốn Công ước của ILO cùng với những cải cách pháp luật lao động, đã mang lại cơ hội tốt hơn cho nhiều hơn phụ nữ và nam giới ở Việt Nam được tiếp cận với việc làm thỏa đáng”.

Chính sách việc làm được ban hành đồng bộ, bao phủ trên các nhóm lao động, trong đó ưu tiên các nhóm lao động yếu thế, lao động người DTTS đã góp phần vào thành tựu giảm nghèo của Việt Nam, đưa Chỉ số phát triển con người (HDI) của nước ta nâng lên rõ rệt. Năm 2021, Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm các nước có HDI ở mức cao trên thế giới.

Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen nhận xét: “Với chủ trương phát triển lấy con người làm trung tâm, ưu tiên phát triển con người và thúc đẩy bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Việt Nam đạt được mức phát triển con người cao. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận và cũng tạo cơ hội cho sự phát triển tốt hơn, nhanh hơn trong giai đoạn tới”.

Hoàn thiện thể chế để hội nhập

Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, lĩnh vực lao động, việc làm của nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Giai đoạn 2016 – 2020, nguồn cung lao động của cả nước được đảm bảo với quy mô dao động từ 54 – 55 triệu lao động (do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, quy mô lao động sụt giảm nghiêm trọng, xuống còn 51,6 triệu người vào quý II/2022). Chất lượng lao động ngày càng nâng cao, tỷ lệ qua đào tạo có tăng qua từng năm, từ 53% (năm 2016) lên 64,5% (năm 2020), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đến năm 2020 là 24,1%;

Đại dịch Covid – 19, đã tạo ra “cú hích” lớn để chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có lao động – việc làm. (Trong ảnh: học sinh vùng cao Lào Cai học trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội để chống dịch – Ảnh: laocai.gov.vn)

Kết quả này đến từ nỗ lực thực hiện chính sách dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động, nhất là lao động người DTTS, của các cấp, các ngành, các địa phương. Theo Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3/6/2022 của Ủy ban Dân tộc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, trong giai đoạn 2016 – 2020, cả nước có khoảng gần 1 triệu lao động nông thôn là người DTTS được học nghề (cả nước có trên 5 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề các cấp); trên 76% số người học xong có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động, thu nhập cao hơn.

Lực lượng lao động qua đào tạo tăng lên, cùng với sự “hạ nhiệt” của đại dịch Covid – 19 đã góp phần tăng thu nhập bình quân của lao động Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động 6 tháng đầu năm 2022 là 6,5 triệu đồng/tháng, tăng 5,3% (tương ứng tăng 326 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 11% (tương ứng tăng 646 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm 2020.

Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, lĩnh vực lao động – việc làm của nước ta tuy đã có nền tảng, nhưng lại đang đứng trước những thách thức mới, nhất là khi quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, với định hướng phát triển nền kinh tế số. Trong khi đó, Luật Việc làm năm 2013 lại chưa có quy định liên quan về vấn đề này.

“Phát triển kinh tế số mở ra các cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, với nhiều hình thức việc làm đa dạng, từ việc làm đòi hỏi trình độ cao. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển việc làm sáng tạo, việc làm trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số”, Bộ LĐTB&XH khẳng định.

Thực tế, so với 10 năm trước thì hiện nay, lĩnh vực việc làm đã có chuyển đổi rất mạnh mẽ; nhất là sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid – 19, việc làm đã có “cú hích” lớn về chuyển đổi số. Lực lượng lao động người DTTS cũng nằm trong quá trình chuyển đổi theo xu hướng này. Đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn đội ngũ lao động phổ thông bán hàng nông sản qua interner; những đặc sản miền núi đã được tiêu thụ trên khắp cả nước, ra thế giới quan kênh phân phối mang thượng hiệu công nghệ.

Để đáp ứng được yêu cầu việc làm trong bối cảnh chuyển đổi số, các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn cũng phải có sự thay đổi thích ứng. Và việc thay đổi phải được bắt đầu từ “thượng tầng”, đó là sửa đổi Luật Việc làm.

Đồng thời, Bộ LĐTB&XH cũng nhận định, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam diễn ra nhanh, sâu rộng. Đến hết năm 2020, Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định tự do thương mại đa phương và song phương và đang đàm phán 2 hiệp định khác, đòi hỏi phải tuân thủ các “luật chơi”chung, bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, việc làm. Do đó, cần điều chỉnh các quy định pháp luật để một mặt phù hợp với các Công ước, cam kết và thông lệ quốc tế; mặt khác, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, người sử dụnglao động Việt Nam.

Nguồn: Báo dân tộc